Trong 3 ngày 03,04 và 05/2/2023 (tức ngày 13, 14, 15 tháng Giêng Xuân Quý Mão) tại đình Lãng Xuyên, Ban tổ chức Lễ hội truyền thống di tích Quốc gia Đình Lãng Xuyên - Xã Gia Tân long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống đình làng Lãng Xuyên.
Về dự lễ hội truyền thống đình làng Lãng Xuyên có đồng chí Phạm Duy Thoại - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã - Trưởng Ban tổ chức lễ hội cùng các ông bà trong BCH Đảng bộ - Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ xã cùng các ông bà trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Ban tổ chức lễ hội, Bí thư chi bộ, trưởng phó các thôn, Các ông bà trong Tiểu ban di tích và QDC thôn Phúc Tân, thôn An Tân, HTXDVNN, Quỹ tín dụng nhân dân, Trạm y tế, các thầy giáo, cô giáo trường Mầm non, Tiểu học, THCS, phóng viên Đài truyền hình tỉnh, phóng viên Đài phát thanh huyện, Ban biên tập đài truyền thanh xã cùng các ông, bà đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, các công ty đóng trên địa bàn xã..

(Đồng chí Phạm Duy Thoại - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã - Trưởng Ban tổ chức lễ hội đọc lời khai mạc lễ hội )
Làng Lãng Xuyên - xã Gia Tân là một làng quê trù phú, thuộc vùng châu thổ sông Hồng, người dân Lãng Xuyên cần cù, chất phác, lấy nông nghiệp là nghề chính của mình. Quê hương Lãng Xuyên có ngôi Đình cổ kính to đẹp nguy nga với những nét kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Đình làng Lãng Xuyên được khởi dựng vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ thứ XIX) và được trùng tu vào năm Khải Định nhị niên (1917). Đình xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Đại bái, 3 gian hậu cung. Tại di tích còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc, nhiều bức phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao có giá trị không chỉ của địa phương mà là công trình có giá trị cả nước. Căn cứ vào tài liệu lưu trữ tại Viện thông tin khoa học và xã hội. Căn cứ vào hệ thống bia ký, đặc biệt là tấm bia “Lãng Xuyên xã thần tích bi” khắc dựng vào năm Khải Định nhị niên (1917) hiện lưu giữ tại Di tích thì Đình Lãng Xuyên tôn thờ Thành hoàng làng là “Tiên cung” tự “Ngọc Hoa” là Thiên Thần, có công âm phù Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định vào thế kỷ thứ I.

(Đồng chí Nguyễn Văn Kênh - Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Lãng Xuyên báo cáo lịch dử di tích Đình làng Lãng Xuyên)
Sự kiện này được tóm tắt như sau: Vào thời Hùng Vương thứ 18, cơ đồ vận nước đã hết, nhà Hùng suy yếu. Nhân cơ hội đó, nhà Đông Hán đem quân sang xâm lược nước ta. Chúng cử viên Thái Thú Tô Định đem 10 vạn binh mã và 8 nghìn chiếc thuyền chia làm nhiều đường tiến vào nước ta. Quân giặc vô cùng tham tàn, bạo ngược, giết người, cướp của, tàn sát dân lành.
Trước tình hình đó, cháu gái dòng dõi nhà Hùng là Trưng Trắc cũng em gái là Trưng Nhị dấy binh phất cờ khởi nghĩa. Hai chị em đều là nữ trang hào kiệt, tài đức hơn người, hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Hai bà đã tập hợp nghĩa quân thành đội ngũ, tập luyện, sẵn sàng cự chiến với giặc.
Ngày 12 tháng 10 năm 40 Sau Công Nguyên. Trước khi xuất binh, Trưng nữ lập đàn cầu đảo Bách Thần tại cửa Hát Môn (tức xứ Sơn Tây) và khấn cầu. Xin thiên đình phù hộ cho quân ta chiến thắng.
Cầu đảo xong, Trưng nữ nghe có tiếng nữ nhân xưng là “Tiên Cung” tự “Ngọc Hoa” là Thần ngự tại Đình Lãng Xuyên nay nghe thấy nữ tướng chiêu binh diệt giặc cứu nước, giúp dân nguyện âm phù theo quân đánh giặc lập công. Nghe xong Trưng nữ liền hành lễ bái hạ.
Ngày hôm đó, Trưng nữ truyền hịch đến các đạo, chiêu mộc nghĩa binh, văn võ tài giỏi, người nào xuất chúng được phong làm Đại tướng, tập hợp các binh sĩ thành các đạo quân. Sau đó truyền lệnh đánh thẳng vào đồn Tô Định đóng, đại chiến một trận, quân giặc thất bại bỏ chạy toán loạn, chém được Chánh tướng cùng sĩ tốt mấy ngàn tên. Trưng nữ đã chiếm được 65 thành trì của giặc, mang lại thái bình cho đất nước.
Sau khi thắng trận, Trưng nữ lên ngôi, xưng Trưng Nữ Vương và nói với chư tướng “Giặc Tô Định sớm bị đánh tan cũng là nhờ thần âm phù trợ giúp”. Sau đó, sai sứ thần về Đình Lãng Xuyên, nơi tôn thờ “Ngọc Hoa” có công âm phù Vua tôi đánh giặc giành thắng lợi. Đồng thời sắc phong nguyên tự thần hiệu : Nhất phong “Thiên Tiên Ngọc tướng Quỳnh Nương công Chúa” tặng phong “Nga Hằng uyển mị Trinh Phục phu nhân”. Từ đó về sau được các triều đại sắc phong và cho phép dân làng tu sửa Miếu Đình để ngàn năm hương hỏa, phụng thờ.
Đình làng Lãng Xuyên không chỉ là nơi thờ “Tiên Cung” tự “Ngọc Hoa” theo tín ngưỡng dân gian mà trong các cuộc kháng chiến Đình làng đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương đó là:
Sau khi giành độc lập tháng 8 năm 1945, Đình là trụ sở của Ủy ban lâm thời của xã Chí Thiện (nay là xã Gia Tân). Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Đình làng là nơi đóng quân của Vệ Quốc Đoàn Chiến khu III, Đại đội Ký Con của vùng Tả ngạn sông Hồng. Đồng thời là cơ sở hoạt động cách mạng của địa phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thóc Vàng từ mái Đình làng hàng năm được chuyển đi nuôi quân đánh giặc. Hàng trăm con em quê hương cũng từ mái Đình làng ra đi chiến đấu. Đình còn được nhà nước sử dụng làm trường Đại học trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Cũng tại đây, hàng trăm trí thức từ mái Đình này đã ra trường đi phục vụ nhân dân khắp mọi miền của Tổ quốc. Hiện nay, ngôi Đình cũng là nơi sinh hoạt, hội họp của cán bộ và nhân dân trong làng.
Hàng năm, đình Lãng Xuyên có hai kỳ Lễ hội: đó là Lễ hội tháng Giêng và Lễ hội tháng 10. Trong hai kỳ Lễ hội đó thì Lễ hội tháng Giêng là Lễ hội lớn nhất trong năm.
(3 cụ cao niên đại diện nhân dân trong làng làm lễ dâng hương)

(Đại diện lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND, các ban ngành, đoàn thể xã, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong làng làm lễ dâng hương)
Với những giá trị lịch sử to lớn của di tích. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, Đảng viên và nhân dân địa phương. Năm 2006, ngôi Đình đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận và xếp hạng Đình Lãng Xuyên - xã Gia Tân là Di tích Quốc gia theo Quyết định số 15/QĐ-BVHTT ngày 26/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin.
Sau nhiều năm không được tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay hội đình Lãng Xuyên có nhiều nét mới, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia. Lễ hội đình làng Lãng Xuyên diễn ra trong 3 ngày, nhân dân địa phương được tham gia các nghi thức trang nghiêm như: rước kiệu, các nghi thức tế lễ thánh, thần hoàng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, bóng đá… và liên hoan văn nghệ, hát chèo với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát chèo Thái Bình… thu hút đông đảo nhân dân đến thưởng thức.

(Vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” do các nghệ sĩ Nhà hát chèo Thái Bình biểu diễn)
Lễ hội truyền thống Đình làng Lãng Xuyên là dịp để mỗi người dân hiểu sâu sắc hơn về mảnh đất và con người Lãng Xuyên nói riêng cũng như người dân Gia Tân nói chung. Ðây cũng là dịp để mỗi người con quê hương Lãng Xuyên - Gia Tân bày tỏ lòng biết ơn Ðức thánh Ngọc Hoa - người có công với nước, với dân./.
Thực hiện: Hưng - Vân